Kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến hết tháng 11 đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ước sản lượng thu hoạch cả năm 2021 đạt 1,5 triệu tấn.
Sản lượng thủy sản Trung Quốc tiếp tục tăng. Sản lượng thủy sản của Trung Quốc ước đạt tổng cộng 65,7 triệu tấn trong năm 2021 và sẽ tăng lên 66,1 triệu tấn vào năm 2022. Tổng sản lượng thủy sản của Trung Quốc đã tăng từ 64,5 triệu tấn vào năm 2017 lên 65,4 triệu tấn năm 2020. Dự báo tổng sản lượng hải sản sẽ giảm từ 33,1 triệu tấn vào năm 2020 xuống 33 triệu tấn vào năm 2021 và chỉ còn 32,9 triệu tấn vào năm 2022. Năm 2020, chỉ có 11,7 triệu tấn hải sản được đánh bắt tự nhiên từ biển, chiếm 35,6% sản lượng thủy sản biển của Trung Quốc. Dự kiến sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 52,2 triệu tấn vào năm 2021 và đạt 52,7 triệu tấn vào năm 2022. Tiêu thụ thủy sản ở Trung Quốc sẽ đạt tổng cộng 69,6 triệu tấn vào năm 2021 và sẽ tăng lên 70,8 triệu tấn vào năm 2022
Dự tính xuất khẩu cá tra năm 2021 sẽ cán đích khoảng 1,54 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến hết tháng 11 đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó thị trưởng Mỹ chiếm 22% và Trung Quốc chiếm 28% tỷ trọng xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Về sản lượng cá tra thu hoạch, 11 tháng năm 2021 đạt 1,3 triệu tấn (giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2020). Ước sản lượng thu hoạch cả năm 2021 đạt 1,5 triệu tấn. Năm 2022, ngành cá tra đang đặt kế hoạch đạt trên 5.200ha diện tích thả nuôi phát sinh; sản lượng cá tra thương phẩm đạt trên 1,7 triệu tấn.
Quy định ghi nhãn mới có thể gây khó việc xuất khẩu cá minh thái sang Trung Quốc. Từ ngày 1/1/2022, Cơ quan Hải quan Trung Quốc bắt buộc các nhà nhập khẩu phải dán nhãn cả phần bên ngoài và bên trong của bao bì. Trung Quốc quy định phải ghi thêm số đăng ký và địa chỉ của tất cả các doanh nghiệp liên quan đến sản phẩm xuất khẩu – đánh bắt, chế biến, tàu vận tải, cũng như các kho tạm giữ.
Sản lượng cá tra toàn cầu sẽ vượt mốc 3 triệu tấn. Hội nghị Dự báo toàn cầu cho Lãnh đạo nuôi trồng thủy sản (GOAL), cho thấy, sản lượng cá tra tại Việt Nam đang tiếp tục tăng và có thể đạt hơn 1,8 triệu tấn trong năm 2022. Sản lượng cá tra của Indonesia cũng đang tăng mạnh. Dự báo tổng sản lượng cá tra toàn cầu có thể tăng 6% trong năm 2021 và dự kiến tăng 2,1% trong năm 2022, lên hơn 3 triệu tấn. Sản lượng các loại cá da trơn trên toàn cầu cũng đang tăng lên, tốc độ tăng trưởng dự báo ở mức 9% vào năm 2021 và 6,1% vào năm 2022 dự kiến sẽ vượt qua mốc 5 triệu tấn.
Hàn Quốc tăng nhập khẩu mực, bạch tuộc từ Việt Nam. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang thị trường này đạt 194,5 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình xuất khẩu mực sang Hàn Quốc dao động từ 9 – 11,9 USD/kg, trong khi giá trung bình xuất khẩu bạch tuộc sang Hàn Quốc dao động trong khoảng từ 6,5-7 USD/kg.
Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang Trung Đông. 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cá ngừ sang Trung Đông đạt 57,5 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020. Israel, Ai Cập và Libăng là 3 thị trường NK cá ngừ nhiều lớn nhất của Việt Nam trong khối thị trường này. Năm 2021, có 28 doanh nghiệp tham gia XK sang thị trường Trung Đông. Trong đó, dẫn đầu là Công ty TNHH Cá ngừ Việt Nam (Tuna Vietnam), Công ty CP Đồ hộp Tấn Phát và Công ty CP Thuỷ sản Bình Định (Bidifisco), chiếm gần 60% tổng giá trị XK sang thị trường này.
Philippines tăng nhập khẩu cá nục gai với nỗ lực kiềm chế giá nội địa. Đầu tháng 10 nước này có kế hoạch tăng nhập khẩu cá nục gai và cá thu thêm 60.000 tấn từ Trung Quốc và Việt Nam, trước lệnh cấm đánh bắt hàng năm ở nước này. Giá cá nục, vốn rất phổ biến ở thị trường nội địa, vẫn nằm trong khoảng 200 PHP đến 240 PHP (4,00 USD và 4,80 USD, 3,50 EUR và 4,20 EUR)/kg. Sản lượng đánh bắt cá ngừ mắt to của quốc gia này đã giảm 41,1%, trong khi sản lượng khai thác cá ngừ chù của nước này thấp hơn 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng khai thác cá ngừ vây vàng của nước này giảm 19,9% và lượng cua xanh giảm 22,1% so với một năm trước.
Xuất khẩu cá của Nhật Bản phục hồi. Xuất khẩu thủy sản của Nhật Bản trong tháng 10/2021 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu thủy sản của nước này tăng 26,7%. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Nhật Bản là sò điệp, cá cam, hải sâm chế biến, cá thu và cá ngừ. Phi lê cá cam đông lạnh, cá xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản, đạt tổng cộng 601,8 tấn, trị giá 988,5 triệu JPY (8,6 triệu USD, trong đó Mỹ chiếm thị phần chi phối, và Hồng Kông, Trung Quốc và Thái Lan cũng chiếm một phần.
Cá ngừ đại dương Bình Định sẽ có đầu ra ổn định. Địa phương này có hơn 3.200 tàu cá đánh bắt xa bờ, trong đó gần một nửa hành nghề câu cá ngừ đại dương với sản lượng khai thác khoảng 11.000 tấn/năm. Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã phối hợp Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín (doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản, trụ sở tại tỉnh Khánh Hòa) xây dựng dự án Chuỗi liên sản xuất và tiêu thụ cá ngừ đại dương Bình Định. Tham gia dự án có 30 tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân thị xã Hoài Nhơn được tỉnh Bình Định hỗ trợ về tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí cho ngư dân đầu tư máy móc, thiết bị khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ Nhật Bản. Doanh nghiệp chủ trì liên kết thực hiện dự án sẽ mua toàn bộ sản phẩm cá ngừ đại dương theo hợp đồng ký kết với các chủ tàu với giá cao hơn giá thị trường. Cụ thể, cá loại A được thu mua cao hơn 15.000 đồng/kg, loại B cao hơn 2.000 đồng/kg. Hiện Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín đã xây dựng xong giai đoạn 1 nhà máy chế biến tại Khu Kinh tế Nhơn Hội (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) với công suất 8.000 tấn/năm.